Đăng lúc 05:30:49 ngày 01/03/2018 | Lượt xem 1417
Trong loạt các bài viết liên tục kế tiếp, tôi sẽ cố gắng tóm tắt lại một số kiến thức cơ bản về vải, để chúng ta có thể phân biệt và hiểu thế nào là vải dệt thoi, thế nào là vải dệt kim. Sự khác biệt giữa 2 loại vải này và ứng dụng dựa trên những khác biệt kỹ thuật đó.
Cũng trong những bài này, tôi sẽ nói về một số yêu cầu về đánh giá chất lượng của mỗi loại vải. Yêu cầu nào là bắt buộc phải đạt được để trở thành hàng hóa ở một số thị trường xuất khẩu như Mỹ, Châu Âu…hay nói cách khác là chỉ tiêu nào của vải phải bắt buộc được kiểm tra và đạt theo quy định của chính phủ nước nhập khẩu như khả năng chống cháy, hàm lượng Formaldehyde, pH, hàm lượng các chất bị hạn chế và những tiêu chuẩn khác của vải đang là yêu cầu chung của các nhãn hàng may mặc trên thế giới.
Vải dệt thoi ( Woven fabric)
Vải dệt thoi được tạo ra qua quá trình dệt vải trên máy dệt thoi . Trong đó, hai hệ sợi riêng biệt gọi là sợi dọc và sợi ngang được đan kết hợp với nhau để tạo thành một loại vải. Sợi dọc (lengthwise yarns) là hệ sợi chạy từ phía sau ra phía trước của máy dệt ( warp hoặc end ) . Hệ sợi ngang ( crosswise yarns ) là sợi đan từ biên này vải đến biên kia qua suốt khổ vải ( Fill hoặc pick) . Khung dệt là bộ phận giữ các sợi dọc ở ví trí được dự tính sẵn trong khi sợi ngang được cài thông qua nó. Sợi làm từ sợi tự nhiên như cotton, lụa và len cũng như sợi tổng hợp như nylon và polyester ….đều có thể được sử dụng cho việc dệt vải.
Trong vải, sợi dọc và sợi ngang liên kết theo một quy luật nhất định gọi là kiểu dệt.
Và đây là ví dụ một vài kiểu dệt phổ biến:
+ Vải dệt trơn hay vải Plain: Kiểu dệt Plain là đơn giản nhất trong tất cả các kiểu dệt. Các sợi dọc và ngang cùng chi số được đan xen với nhau theo quy luật một một .
Từng sợi ngang điền trên và dưới mỗi sợi dọc, luân phiên liên tiếp, tạo ra một số lượng lớn các điểm giao nhau.
Vải dệt trơn có kết cấu mạnh mẽ và cứng, thường được sử dụng cho thời trang và vải trang trí nội thất.
+ Vải Poplin là một loại vải dệt chặt, giống như dệt phẳng , được thiết kế với kích thước bằng nhau của sợi dọc và sợi ngang. Điểm khác biệt là với dệt phẳng hay plain là hệ sợi dọc kích thước nhỏ và nhiều hợn , chặt chẽ hơn , số lượng sợi dọc thường gấp đôi so với các sợi ngang.
+ Vải dệt chéo hay Twill fabric: Dệt chéo là một phương pháp dệt tạo ra một cấu trúc đan hình chéo trong vải.
Các loại vải chéo thường mềm hơn vải dệt phẳng do đó khả năng chống nhăn thường cao hơn nhiều so với kiểu dệt phẳng.
Twill là kiểu đan dệt với các đường sọc chéo song song (khác với kiểu dệt satin và dệt trơn). Điều này được thực hiện bằng cách đan các sợi ngang luồn qua trên một hoặc nhiều sợi dọc và sau đó luồn dưới một hay nhiều sợi dọc và lặp lại với một quy luật lệch bước giữa các hàng để tạo ra các mô hình đường chéo đặc trưng.
Vải chéo về mặt kỹ thuật có cấu trúc một mặt trước và một mặt sau, trong khi vải dệt trơn có hai mặt đều giống nhau. Mặt trước của vải chéo là mặt nổi rõ các đường chéo; thường xuyên sử dụng như mặt phải của vải, và là mặt nhìn thấy được trong quá trình dệt. Dưới đây là một vài kiểu đan chéo căn bản:
Tính chất chung của vải dệt thoi
– Vải có cấu trúc tương đối bền tốt.
– Bề mặt vải khít.
– Hệ sợi dọc vuông góc với hệ sợi ngang.
– Độ dãn dọc và dãn ngang rất ít. Chỉ có thể co dãn ít theo hướng chéo nghiêng giữa chiều sợi dọc và sợi ngang. Vải dệt thoi chỉ có thể dãn ngang hoặc dọc nếu được thiết kể dệt với sự tham gia của sợi có tính co dãn như Spandex hoặc Lycra…
– Dễ bị nhầu, đặc biệt với một số loại vải như cotton, lanh…
– Vải không bị quăn mép, không bị tuột vòng.
– Vải dệt thoi ít bị co hơn vải dệt kim.
– Có biên vải rõ ràng.
– Đa dạng và phong phú về kiểu dệt, chất liệu.
Các thông số cơ bản của vải dệt thoi : ( Fabric specification)
1/ Mật độ hay Thread count (Threads per Unit Length )
Mật độ vải là thông số quan trọng . Mật độ vải là số sợi vải đếm được trên một đơn vị chiều dài vải theo chiều dọc hay chiều ngang. Ví dụ mật độ sợi của vải cotton trung bình là 18 sợi/1 cm hay 45 sợi/ inche . Vải cao cấp thường có mật độ sợi từ 22 sợi/1 cm hay 55 sợi/ inche trở lên. Mật độ lớn, kết hợp với sợi vải mảnh sẽ cho vải thêm mềm, mượt. Mật độ lớn với sợi vải cỡ lớn cho vải chắc, và bền.
+ Mật độ sợi dọc: Là số lượng sợi dọc trên một đơn vị chiều dài theo hướng ngang , thông thường là số sơi dọc trên 1 inche ( End per inche hay viết tắt là EPI).
+ Mật độ sợi ngang: Là số lượng sợi ngang trên một đơn vị chiều dài theo hướng dọc , thông thường là số sợi ngang trên một inche (Pick per inche hay viết tắt là PPI) .
Ví dụ: 100% cotton dyed twill woven fabric, 126×54, 20Sx10S
Mật độ vải là 126 sợi dọc/ inche và 54 sợi ngang/ inche.
Hay: Vải có thông số Thread count là: 297×88. Nghĩa là vải có EPI = 297 và PPI=88.
Chỉ số đứng trước luôn luôn là mật độ dọc và chỉ số sau là mật độ ngang.
Phương pháp kiểm tra được áp dụng thông thường theo chuẩn quốc tế cho thông số này là tiêu chuẩn ASTM D3775-2012.
EPI là viết tắt của Ends Per inche và PPI là viết tắt của Pick Per Inche. Ở đây Ends được biết là sợi dọc( warps) và Pick được gọi là sợi ngang ( Fills).
2/ Chi số sợi hay Yarn size hay Counts of Yarn :Cỡ sợi hay độ thô mãnh của sợi vải là yếu tố quan trọng thứ nhì sau mật độ vải. Sợi càng mảnh thì chất vải càng mềm mượt, nhưng bề mặt vải sẽ yếu hơn so với vải có sợi cỡ lớn hơn . Nhược điểm này có thể được khắc phục bằng cách tăng mật độ sợi để tăng độ bền của vải. Các loại vải có cỡ sợi lớn, thường có mật độ trung bình cho ta loại vải rất bền, chắc chắn, dễ giặt giũ bảo quản. Tuy nhiên loại vải này có thể cho cảm giác hơi cứng. Các loại vải mềm mượt sẽ được dệt bằng cỡ sợi nhỏ và mật độ vải lớn. Ví dụ vải tơ tằm, lụa tencel …thường có sợi rất mảnh, do vậy các sản phẩm của tơ tằm và lụa tencel mới mềm và mượt hơn nhiều so với các loại vải khác.Độ dày hoặc đường kính của sợi là một trong những đặc tính cơ bản. Tuy vậy, không có cách nào để đo đường kính sợi theo một cách có ý nghĩa.Có hai hệ thống xác định chi số sợi được sử dụng: Trực tiếp và gián tiếp
Hệ thống trực tiếp:
Hệ thống trực tiếp biểu thị chi số dựa trên việc đo khối lượng trên một đơn vị chiều dài của sợi
Chiều dài trong hệ thống là cố định
Sợi mảnh hơn có chỉ số thấp hơn
Những chi số chính được sử dụng là:
Chi số lớn sợi càng thô.
* Tex – khối lượng tính bằng gram trên 1000 mét
* Denier – khối lượng tính bằng gram trên 9000 mét.
* Decitex – khối lượng tính bằng gram trên 10000 mét
1 tex = 10 decitex
Ví dụ : Sợi 250D nghĩa là 9000 mét sơi sẽ nặng 250 grs
D hay denior = G( gram)/ L ( 9000m) hay trọng lượng grams của 9000m sợi
D càng lớn thì sợi càng thô, D càng nhỏ thì sợi càng mãnh.
Đơn vị này thường dùng với sợi filament.
Sợi mãnh 1D là sơi Micro filament.
Để có thể dệt được, sợi phải có chi số nhỏ nhất là 10D.
Công thức chung của hệ thống trực tiếp là : N = (W x l)/L
trong đó:
N : chi số sợi
W: khối lượng lượng mẫu sợi
L: chiều dài mẫu
l: đơn vị của hệ thống chiều dài
Chi số sợi dùng để chỉ độ thô mãnh của một sợi và được xác định bằng khối lượng của nó trên mỗi đơn vị chiều dài. Nó thường được đo bằng số gam trên mỗi một kilomet sợi, đơn vị đo lường của phương pháp đo này được gọi là “Tex”. Hay nói cách khác Tex là khối lượng tính bằng gram của một 1000m sợi.
Hệ thống gián tiếp:
Đây là hệ thống biểu thị chi số dựa trên chiều dài của sợi trong một đơn vị khối lượng của sợi .
Là hệ thống dựa trên khối lượng xác định
Sợi mảnh hơn có chỉ số cao hơn
Những đơn vị chính được sử dụng là:
Chi số len New = số con sợi có chiều dài 560 yard trên 1 pound
Chi số bông Nec = số con sợi có chiều dài 840 yard trên 1 pound
Chi số mét Nm = số Km chiều dài trên 1 Kg
Công thức chung của hệ thống gián tiếp là : N = (L x w) / (l x W)
trong đó:
N : chi số sợi
W: khối lượng lượng mẫu sợi
L: chiều dài mẫu
l: đơn vị của hệ thống chiều dài
w: đơn vị của hệ thống khối lượng
Ví dụ:
Chi số mét: Nm = L(m)/ G ( gram trọng lượng sợi)
Thể hiện chiều dài của một gram sợi.
Nm=76 tức là 1gr sợi sẽ có chiều dài là 76 mét
Ngành công nghiệp sợi có xu hướng sử dụng đơn vị Anh, được xác định bởi số lượng cúi sợi ( hanks) ( mỗi cúi sợi dài 840 yards hay 770 mét ) trên mỗi pound hay 453,6 grams sợi, và được ký hiệu “Né”.
Trong hệ thống này, chi số sợi lớn hơn nghĩa là sợi mịn hơn và ngược lại.Ví dụ các chi số sợi cho vải denim thường từ Ne 4 đến Ne 12.; Nhưng với các loại vải trọng lượng nhẹ hơn như Chambray thì Né từ 12.5 đến 30. Ở Mỹ, một loại sợi có chi số 1-20 , được coi là sợi thô. Thông thường một loại vải mịn, tốt phải có chi số sợi từ 40 đến 80.
Ví dụ:
Chi số Anh : Ne= L ( yd) / G ( pound)
Nm= Ne x 1,693
Ne 40 > Nm= 40x 1.693= 68
Ne 40 nghĩa là 1 gram sợi này sẽ có chiều dài 68m
T x Nm = 1000
T x Ne = 1000 / 1.693
Và sau đây là bảng chuyển đổi giữa các đơn vị chi số sợi:
XEM TIẾP -->>>> VẢI DỆT THOI ( P.2), VẢI DỆT KIM , DỆT THOI VÀ VẢI KHÔNG DỆTVẢI DỆT KIM , DỆT THOI VÀ VẢI KHÔNG DỆT
Theo: Kienthucdetmay.com
Từ khóa: Kiến thức về vải dệt thoi vải dệt các thông số của vải dệt thoi. Samplehanger.net
Các tin mới hơn:
Các tin cũ hơn: